Được mệnh danh là viên ngọc quý ẩn mình trong núi rừng Tây Bắc. Suối Vàng - Thác Tình yêu là điểm du lịch sinh thái còn nguyên sơ với rừng núi xanh bao la bất tận, dòng nước trong xanh tung bọt trắng xóa dưới chân thác sẽ xua đi bao mệt mỏi, ưu phiền mạng lại cho du khách sự thư thái, thỏa mãn và có những kỷ niệm khó quên khi đến du lịch Sa Pa.

Đường vào điểm du lịch sinh thái Suối Vàng - Thác Tình yêu
Từ trung tâm Thị xã Sa Pa, du khách đi khoảng 14km theo quốc lộ 4D qua Ô Quý Hồ trên đường đi tỉnh Lai Châu. Du khách dừng chân tại Trạm Kiểm lâm Núi Xẻ thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên bắt đầu chuyến đi du lịch sinh thái trong rừng. Đường dẫn du khách đến thác Tình yêu là một con đường chạy qua khu rừng xanh mướt, rừng núi trập trùng, bạt ngàn mà thấp thoáng đâu đó những thân cây Rẻ, Hồi cổ thụ rêu phong cổ kính. Hòa trong cảnh đẹp nơi đây, du khách sẽ thấy thoảng thoảng bên tai mình âm thanh xào xạc của lá cây rừng, tiếng chim rừng hót líu lo gọi bầy… cùng mùi thơm nhẹ dịu của các loài hoa rừng. Các loài hoa đỗ quyên với những gam màu đỏ, trắng, vàng khá tươi tắn hay bắt gặp những loài hoa mua tím biếc đang nở phủ cả một sườn đồi, những loài hoa cỏ dại nhỏ nhắn nhưng toát lên vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.
.jpg)
Con đường uốn lượn, quanh co dưới tán rừng
Đi hết đoạn đường này, du khách sẽ gặp một dòng suối trong vắt, mát lạnh và lòng suối ánh lên mầu vàng đặc trưng như hổ phánh được gọi là Suối Vàng. Mầu trong của nước, mầu vàng của đá, mầu xanh của cây rừng tạo lêm một bức tranh thủy mặc rất lãng mạn, nên thơ, hữu tình. Dạo bước theo dòng suối là du khách sẽ tới Thác Tình yêu.
.jpg)
Suối vàng có dòng nước trong vắt, mát lạnh, dưới suối ánh lên mầu vàng của đá
Tận mắt chiêm ngưỡng dòng thác có độ cao gần 40m được bắt nguồn từ đỉnh Fansipan rồi mang theo hơi lạnh của núi rừng chảy qua nền địa hình cao, dốc; đổ xối xả, ào ạt xuống dòng Suối Vàng tung bọt trắng xóa. Phía sau làn nước thác là một loài cỏ có sức sống mãnh liệt, dù nước chảy mạnh nhưng chúng vẫn bám chắc vào đá và phát triển ranh rì tạo một Thác Tình yêu rất đặc trưng.
.jpg)

Thác Tình yêu luôn tung bọt trắng xóa
Không hùng vĩ như Thác Bản Giốc ở Cao Bằng, cũng không cao bằng Thác Bạc ở Sa Pa, nhưng Thác Tình yêu lại được ví như viên ngọc quý ẩn mình trong núi rừng Tây Bắc. Đứng dưới chân thác từng bọt nước li ti theo gió đem theo hơi lạnh đặc trưng của xứ sở sương mù Sa Pa phả vào du khách. Ngước mắt nhìn lên cao, lại có cảm giác như mình đang đứng trong một lòng chảo. Trên đỉnh thác là dãy núi xếp cao sừng sững thẳng đứng thành hình vòng cung cùng với cây lá đan xen chỉ để lộ ra một khoảng trời tròn xoe. Phía trên những làn mây trắng mỏng bay qua khoảng trời xanh biếc tạo nên cảnh sắc vô cùng đẹp mắt. Dưới chân thác là 2 hồ nước nhỏ trong vắt nhìn xuống đến tận đáy, vào những ngày đẹp trời, du khách có thể thỏa thích tắm, lội suối cảm nhận dòng nước mát lạnh sua đi cái nắng oi bức của mùa hè.
Hồ nước nhỏ dưới chân thác phù hợp cho du khách bơi lội
Nhưng từ xa nhìn lại, Thác Tình yêu lại như dải lụa trắng trải dài giữa ngút ngàn cây xanh, lại có người tưởng tượng đó là mái tóc của sơn nữ bồng bềnh trong nắng, rồi lại là dòng lệ của chàng Ô Qúy Hồ đang ngóng đợi người yêu là nàng tiên thứ bảy như trong truyền thuyết…
.jpg)
Thác tình yêu nhìn từ sàn ngắm cảnh
Thác Tình Yêu là kết quả của câu chuyện tình đầy dang dở của nàng tiên thứ 7 và chàng tiều phu Ô Quy Hồ – con trai của thần núi A Lao. Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, các nàng Tiên nhà Trời thường lui xuống đây tắm mát. Cứ mỗi lần xuống tắm, các nàng đều rất say mê, thích thú trước cảnh đẹp và không gian nơi đây. Một lần kia, nàng Tiên Thứ Bảy phát hiện ra có một chàng tiều phu đang nấu cơm bên dòng Suối Vàng, trong lúc chờ đợi cơm chín, chàng đã lấy cây sáo trúc ra thổi. Tiếng sáo của chàng lúc trầm, lúc bổng, vang vọng cả núi rừng. Một lần, vì quá mải miết lắng nghe tiếng sáo của chàng, nàng quên mất là phải về nhà Trời, rồi không chịu được đêm lạnh nơi núi rừng, nàng đã đến bên đống lửa của chàng nhờ sưởi ấm. Đêm ấy, bên ánh lửa bập bùng, chàng tiều phu đã dùng chiếc sáo của mình thổi cho nàng nghe những tình khúc mê hồn, chàng thổi hay đến nỗi mà cả hươu, nai, hổ, báo và chim rừng… cùng nhảy múa và hòa theo giai điệu du dương của tiếng sáo,… Không gian sôi động đó kéo dài cho đến khi ánh mặt trời lấp ló qua những ngọn cây, nàng mới vội vã bay về trời.

Trên đường về
Rồi ngày nào cũng thế, cho đến khi nàng bị nhà Trời phát hiện và không cho nàng theo các chị xuống thác tắm nữa. Nàng nhớ chàng tiều phu đến da diết, chiều chiều, nàng đều ra cổng trời nhìn xuống thác để mong được nghe tiếng sáo của chàng tiều phu nhưng không thấy chàng đâu; nàng quá buồn phiền và cuối cùng biến thành một loài chim lông vàng bay quanh đỉnh núi và luôn miệng kêu 3 tiếng Ô Qui Hồ da diết không nguôi và để nhớ tới tình yêu giữa nàng tiên thứ bảy và chàng tiều phu người ta đã đặt tên thác là Thác Tình yêu như để người đời sẽ được yêu thương nhau mãi mãi khi đến với nơi này.

.jpg)

Trong điểm du lịch có đồng cỏ xanh mướt, đồi hoa sim tím rất phù hợp cho du khách đi picnic, chụp ảnh