Vườn quốc gia Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai) được chọn là một Trung tâm đa dạng của các loài thực vật trong Chương trình bảo tồn các loàì thực vật của Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Vườn cũng được Quỹ môi trường toàn cầu được xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Năm 2003 được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Qua điều tra thực địa và kết quả giám định lập danh lục thu được, hiện VQG Hoàng Liên có 2.847 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.064 chi của 229 họ, trong 6 ngành thực vật.

Địa hình Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Thảm thực vật và hệ thực vật VQG Hoàng Liên là một điển hình khá đầy đủ về sự phân hóa theo đai cao của lãnh thổ. Do những tính chất đặc biệt của địa hình và khí hậu, thảm thực vật và hệ thực khá phong phú mang nhiều nét đặc thù riêng. Ở đây tồn tại các thành phần thực vật á nhiệt đới và ôn đới núi cao có sự xâm nhập khá rõ nét của yếu tố nhiệt đới. Tuy nhiên hiện nay thảm thực vật và hệ thực vật này đã bị biến đổi so với trạng thái nguyên sinh của nó. Những trạng thái rừng nguyên sinh hoặc ít bị tác động chỉ còn tồn tại trên những chỏm núi cao hiểm trở, chủ yếu ở độ cao trên 2.400m hoặc những đám riêng biệt với diện tích nhỏ nằm rải rác trong vùng.
Thảm thực vật Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Ẩn giấu trong VQG Hoàng Liên không chỉ là Vương quốc hoa Đỗ Quyên, kho của những loài thuốc quý Tây Bắc, mà còn là những thân cây cổ thụ đứng sừng sững được ví như “gã khổng lồ xanh”. Trên dãy núi Hoàng Liên trùng trùng, điệp điệp có những thân cây khổng lồ lên đến vài người ôm, chúng uốn éo tạo dáng trước nắng gió, hay vườn mình thẳng tắp vượt khỏi tán rừng xanh thẫm, như những vị thần rừng che chở bảo vệ cuộc sống muông thú và con người.
Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đến người dân; làm tốt công tác tuần tra, canh gác, PCCCR; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến Luật Lâm nghiệp cùng với việc phát huy hiệu quả các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Rừng đặc dụng VQG Hoàng Liên đã được bảo vệ nghiêm ngặt, thảm thực vật và hệ thực vật nơi đây luôn phong phú và đa dạng.
Xin giới thiệu bạn đọc hình ảnh “Những gã khổng lồ xanh” trên dãy núi Hoàng Liên.

Trâm ổi - Huodendron tibeticum (Anthony) Rehd. - cây Di sản Việt Nam
có chu vi lên đến trên 400 cm; đường kính 127,4 cm; chiều cao 35 m, ước gần 900 năm tuổi.